Trang chủ > bài viết > Mất mùa thuốc lá chết ba ngàn người (1)

Mất mùa thuốc lá chết ba ngàn người (1)

01/11/2010

Tác giả: Trương Điện Thắng

Thuốc xắt Cẩm Lệ từ làng Thanh Quýt nổi danh đến mức người xa xứ hàng vài chục năm vẫn nhớ mua để dành trong túi xách, thi thoảng tự tay quấn một điếu nhỏ, hút vài hơi để nghĩ đến quê nhà…

Ở Quảng Nam có nhiều vùng đất nổi tiếng nhờ cây thuốc lá. Tam Kỳ có làng Trường Xuân, Gò Nổi có thuốc lá Bến Đền, vùng Điện Bàn giáp Hòa Vang có cả làng nổi tiếng hơn cả là làng Thanh Quýt trồng, chế biến và buôn bán thuốc lá lẫn thuốc xắt… Tất cả những làng nghề đó đang đi dần vào quên lãng vì nhiều lẽ.

Cẩm Lệ có đất Cồn Mô

Ba Yên – hoa khói lừng Thanh Quýt

Cẩm Lệ nổi danh đất Cồn Mô

Thuốc lá Thanh Quýt vang danh hơn cả trong các làng nghề ấy nhờ nghệ thuật thâm canh cao, kỹ năng chế biến tinh xảo và tạo ra được một thị trường thuốc xắt rộng khắp cả nước. Tuy người hút loại thuốc khá nặng khói này nay đang ít dần khiến cho thị trường tiêu thụ bị thu hẹp lại nhưng đến các TP từ Đông Hà, Quảng Trị đến Đà Lạt, TP.HCM… mà vào bất kỳ một tiệm bán thuốc xắt Cẩm Lệ nào để hỏi quê quán người chủ, tôi bảo đảm trên 90% trong số họ sẽ trả lời là người từ làngThanh Quýt ra đi!

Tôi đưa nhà dân tộc học Nguyễn Tùng ở Pháp đến Thanh Quýt vì ông nghe ở đó có ngôi đình cổ khá đẹp. Thăm đình, thấy có bàn thờ tổ nghề thuốc lá lại là thuốc xắt mang tên Cẩm Lệ, ông lại đòi đi thăm các hộ chế biến thuốc…

Nghề trồng thuốc lá ở làng này không biết có từ bao giờ. Người ta kể rằng những bậc tiền hiền từ Thanh Hóa, Nghệ An hoặc Hải Dương vào đây hơn 500 năm trước đã mang theo giống thuốc lá có tên là Bông Viên hay thuốc lá “cán muỗng” – có lẽ do lá dài như chiếc cán muỗng vào trồng. Đầu làng có một ngôi chùa cổ ban đầu cũng mang tên là Ba Yên Tự. Cũng có vài cụ già giải thích Ba Yên có nghĩa là hoa khói. Ngôi chùa làng ngoài việc tín ngưỡng (trong gian thờ có tượng Phật và 18 vị La Hán) còn thờ cả vị tổ nghề trồng thuốc lá… Ngôi cổ tự đã bị bom đánh sập những năm đầu thập niên 1970, nay người dân chung sức trùng tu lại và lập hẳn một bàn thờ tổ nghề thuốc lá trang trọng để con cháu nhớ lấy.

Ông Tùng hỏi: Nhưng sao lại có tên thuốc lá Cẩm Lệ?

Một lão nông kể: Ngày xưa, dân làng Thanh Quýt đông nhưng ít đất phải đi thuê đất khắp nơi để trồng thuốc lá. Thời phong kiến, tổng Thanh Quýt có địa giới rộng đến gần sát Cẩm Lệ ở ngoại vi Đà Nẵng. Cẩm Lệ có đất Cồn Mô (nay thuộc phạm vi sân bay quốc tế) nổi tiếng trồng thuốc ngon, chế biến thành thuốc xắt rất được ưa chuộng, nhất là ở thị trường Huế nên các hộ chế biến thuốc xắt lấy luôn địa danh Cẩm Lệ làm “thương hiệu”.

Nghề chơi cũng lắm công phu

Người Thanh Quýt trồng thuốc không như những nơi khác và bằng một kỹ thuật thâm canh “rất trình độ”. Họ tìm hiểu những nơi có loại đất cát pha phù hợp, đánh đất thành luống, trồng và chăm bón đến bốn đợt trong mỗi vụ trồng kéo dài khoảng ba tháng. Mỗi kỳ chăm bón đều có một công thức pha trộn các loại phân, vôi, bột bánh dầu khác nhau… và tuyệt đối không có phân hóa học. Sản phẩm thu hoạch trong từng đợt chăm bón tuy đều là lá thuốc nhưng có tên gọi khác nhau: lá chân, lá xai, lá cơi, lá nhứt, lá nhánh. Khi không còn chăm bón nữa mà cây vẫn còn khỏe, lại có hai kỳ sản phẩm khác được tận thu gọi là thuốc nhóc và thuốc bông. Sau đó mới chọn những cây khỏe nhất để lấy bông và hạt làm giống cho vụ sau.

Sản lượng chính của cây thuốc là thuốc nhứt. Mỗi sào (500 m2) thường trồng khoảng 700 cây, mỗi cây chỉ lấy bốn chồi, mỗi chồi chỉ để lại từ 12 đến 13 lá thuốc nhứt. Lá thuốc nhứt khô được ủi (là) đặt tên là “thuốc đẩy” dùng làm “lá áo” để cuốn những loại thuốc nhánh, xai, cơi, nhóc (sau khi đã tước hết cọng, tẩm các vị thuốc Bắc nấu chung với cọng thuốc)… bên trong thành những cuốn dài 2,5 mét, đường kính độ 3,5 cm. Những cuộn thuốc này được đưa vào một máy xắt thành những lát thật mỏng trước khi bán lẻ cho người hút.

Thương hiệu “thuốc xắt Cẩm Lệ” đã vươn xa đến các đô thị như Huế, Đông Hà, Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Sài Gòn… Những chủ hiệu thuốc xắt Cẩm Lệ bây giờ đã định cư ở các đô thị trên, tuy quy mô kinh doanh đã thu hẹp nhưng nguồn nguyên liệu là thuốc cuốn vẫn phải nhận từ Thanh Quýt gửi đến bằng xe lửa, ôtô và đôi khi cả máy bay…

Rạng danh “dân thuốc lá gùi”

Ở làng Thanh Quýt hiện có khoảng 7.600 dân, 1.650 hộ, hơn một nửa trong số đó trồng thuốc lá hàng năm. Dân làng giỏi giang ngoài trồng lúa còn bươn chải với rất nhiều ngành nghề thủ công, thương mại, dịch vụ nhưng thuốc lá và chế biến thuốc xắt vẫn là nguồn thu nhập chính. Thời bao cấp, tôi đưa nhà văn Phan Tứ về thăm, đến nhiều cơ sở chế biến thuốc lá lẫn cơ khí đa dạng ở đây, ông từng nói vui: “Thanh Quýt chẳng khác chi một nước Nhật thu nhỏ của huyện Điện Bàn…”

Những đứa con, đứa cháu có tên tuổi trong giới trí thức sau này như giáo sư toán Lê Tự Hỷ, giáo sư-tiến sĩ Lê Tự Quốc Thắng, các bác sĩ danh tiếng như Nguyễn Hữu Tùng, Nguyễn Hữu Phùng cùng nhiều tiến sĩ, thạc sĩ khác hoặc gần đây, người vừa giành huy chương vàng Olympic tin học quốc tế là Nguyễn Bá Cảnh Sơn… đều là con em của những người dân trồng thuốc lá, đội từng bó thuốc lá hoặc bán lẻ từng lạng thuốc xắt Cẩm Lệ từ hàng chục năm trước. Năm 2008, những người dân cả đời sinh sống dưới những cây thuốc lá đã sung sướng đến chảy nước mắt khi nhận được kết quả: có 61 con em của họ đã thi đỗ vào các trường đại học chính quy, gấp rưỡi năm trước đó!

Hút vài hơi thuốc cho vơi nhớ nhà

Sản xuất, chế biến thuốc xắt cho thị trường, dân Thanh Quýt đi đâu vẫn mang theo một túi thuốc lá để hút. Hình ảnh ấy được các làng chung quanh gọi đùa là “dân thuốc lá gùi”! Những năm chiến tranh, nhiều thanh niên nam, nữ bỏ ruộng thuốc lá tham gia bộ đội, du kích và để lại một giai thoại khá vui: Mấy chị bộ đội, du kích lên rừng vẫn không quên mang theo một túi thuốc lá bên cạnh ruột tượng gạo. Mất ruột tượng gạo nhiều khi không tiếc bằng túi thuốc lá, như một vật bất ly thân. Điếu thuốc lá Thanh Quýt vẫn cháy đỏ dưới những giao thông hào thời chiến, đến nỗi mấy anh bộ đội ngoài Bắc vào tặng cho hai câu lục bát khá ấn tượng:

“Tiếng đồn con gái quê ta,

Mất mùa thuốc lá chết… ba ngàn người!”

Tuy lời ca dao có ngụ ý chê bai nhưng các chị vẫn không bỏ được điếu thuốc lá ấy cho đến ngày hòa bình. Nhiều chị bây giờ còn làm việc ở các đoàn thể địa phương vẫn làm bạn với điếu thuốc lá ngay trong những buổi họp dân làng như một hình ảnh rất tự nhiên, trong khi nhiều “đồng chí nam” đã chuyển ngành qua… thuốc điếu có đầu lọc!

Nhà dân tộc học Nguyễn Tùng hỏi rất nhiều chuyện khi đi thăm những gia đình làm thuốc lá ở Thanh Quýt. Có người thắc mắc: Sống ở bên Tây cả nửa thế kỷ, cắc cớ gì lại hỏi cái thứ ni? Ông mới kể: Về nước nhiều lần từ năm 1976. Mỗi lần về Đà Nẵng, ông vẫn đến hiệu thuốc xắt Cẩm Lệ của ông giáo Cơ ở Ngã Năm mua mấy ngàn thuốc lá để dành trong túi xách. Thỉnh thoảng lại lấy ra, tự tay quấn một điếu nhỏ và hút vài hơi để nghĩ đến quê nhà và tuổi thơ của những năm đi tản cư hồi chống Pháp. Nhưng có điều ông hỏi mà chưa ai ở Thanh Quýt hôm đó trả lời: Trong lúc thị trường thuốc xắt teo lại, có nguy cơ tan rã một làng nghề, tại sao chưa có ai nghĩ đến chuyện chế biến ra một loại thuốc xì gà để đưa ra thị trường thế giới từ một giống thuốc lá rất ngon và để giữ lại làng nghề truyền thống có một không hai này?

Câu hỏi bất ngờ đó khiến cả người viết bài này bối rối!