Trang chủ > bài viết > Có đâu như ở quê tôi

Có đâu như ở quê tôi

25/12/2011

CÓ Ở NƠI ĐÂU NHƯ QUÊ TÔI?

(Nguyễn Hữu Tiến)

Phải nói thẳng rằng hồi bé tôi chẳng mấy thích thú với làng quê nội. Làng gì mà đến cái tên cũng quê một cục : “Làng Thanh Quít”. Nghe cứ nôm na thế nào ấy. Làng “Trái quít xanh”. Trái quít phải chín, phải vàng, phải ngọt thì mới ngon, chứ quít xanh thì chua lè, ăn sao được ? Thế nhưng làng nội tôi lại là làng “Trái quít xanh”. Nghe thật buồn cười.

Tên của làng quê ngoại đẹp hơn : Làng Mỹ Khê. Mỹ Khê là “cái khe nước đẹp”, hoặc “con suối nhỏ đẹp”. Theo tôi biết, ít nhất thì cũng có vài ba làng nữa có cái tên Mỹ Khê : Mỹ Khê ở dưới Thu Xà, Quảng Ngãi, Mỹ khê ở Quảng Bình, và hình như còn có một Mỹ Khê ở Long Xuyên. Có người nói dân làng Mỹ Khê gốc ở Quảng Bình, di dân vào nam, trụ lại ở đâu thì cũng đặt tên làng là Mỹ Khê. Tất nhiên Mỹ Khê là một cái tên đẹp (ít nhất thì cũng hơn “Thanh Quít”) nên đi đâu thì người ta cũng mang cái tên đó đi theo.

Nhưng Thanh Quít thì không. Tôi đã đi nhiều nơi trên đất nước Việt Nam, hầu như khắp các tỉnh trong Nam ngoài Bắc. Hết đồng bằng bắc bộ lại lên trung du, tây bắc, việt bắc, hết các tỉnh miền trung lại vào miền đông, miền tây nam bộ, chẳng nơi nào nghe có một tên làng Thanh Quít thứ hai.

Đúng là chỉ có một làng Thanh Quít mà thôi. Vì cái tên đâu có đẹp để có nhiều làng đặt ? 

Mà ngày xưa, lâu lâu bọn trẻ con chúng tôi mới được về Thanh Quít một lần. Đó là vào những dịp giỗ Tết. Ba dẫn tôi ra bến xe Con Gà để đi xe đò về quê. Bến xe đò ở cũng gần nhà, từ nhà lên chợ Hàn chưa đến vài trăm mét, rồi từ chợ Hàn rẽ phải đến bến xe cũng chỉ khoảng trăm mét. Hồi ấy về Thanh Quít chỉ có xe Con Gà chạy Đà Nẵng – Hội An. Thanh Quít ở cách Đà Nẵng 17 cây số, chính là ở vào quảng giữa đường Đà Nẵng – Hội An. Gọi là xe “con gà”, vì ở mỗi bên hông xe đều có vẽ một con gà trống. Xe sơn màu vàng, con gà trống thì màu đỏ pha vàng tía, vươn dài cái cổ ra làm như đang gáy, trông rất oai vệ. Nhưng xe chạy thì không có tiếng gà ò ó o, mà chỉ có cái kèn là một quả bóng bằng cao su cắm vào đầu một cái ống loa, gắn vào cửa xe, bác tài xế cứ chốc chốc lại bóp vào kêu “te tí … te tí …” nghe thật vui tai.

So với bây giờ thì hồi đó xe chạy chậm rì, nhưng rồi cũng đến Thanh Quít. Xe đỗ ven đường cái, ba dắt tôi xuống đi bộ để vào nhà bà nội. Từ đường cái ô tô vào đến nhà bà nội chỉ chừng hai trăm mét thôi. Aáy, thế nhưng đến cái đoạn này mới thật là khiếp. Từ trên đường cái tráng nhựa, xuống con đường đất vào làng là một cái dốc bằng đất thịt (đất sét), mùa mưa trơn dễ sợ. Mà vào dịp Tết, hầu như ngày nào cũng là ngày mưa. Mặc dù có ba tôi dắt tay, nhưng đã nhiều lần tôi bị trượt ngã chổng kềnh trên cái dốc đó. Khi về đến nhà bà nội thì đủng quần và hai bàn tay bê bết đất sét. 

Nhưng đấy chẳng phải là cái đáng sợ nhất. Sợ nhất là cái chuyện mỗi ngày đều phải đi “bứt cỏ”. Hồi ấy cả làng chẳng nhà nào có một cái cầu tiêu. Để làm “cái việc đó”, người ta đều phải ra bờ ruộng, hoặc trẻ con thì có thể ra ngồi bên vệ đường. Nhưng dù bé thì mình cũng là người thành phố, ai lại ra ngồi bên vệ đường, kỳ lắm. Ra ruộng thì cũng ghê, vì bờ ruộng cũng bằng đất thịt trơn trợt đến khiếp. Thế thì phải ra Vườn Huê, cũng như nhiều người khác trong làng. Vườn Huê, nghe nói gọi như vậy vì ngày xưa đây là một khu rừng có nhiều hoa. Nhưng nay là một khu đất thổ, rộng khoảng chục mẫu, trồng cây thuốc lá. Xen lẫn là mồ mả. Hồi ấy nhà mình cũng có một đám đất ở Vườn Huê, cho người ta thuê trồng thuốc . 

Nhưng Vườn Huê không chỉ để trồng thuốc. Đó còn là cái cầu tiêu công cộng của cả xóm Chay. Dù sao thì ra Vườn Huê ngồi cũng còn đỡ ghê hơn ra ruộng hoặc ra vệ đường làng. Nhưng để an toàn, khi đi cần phải cầm theo một cái roi hoặc một cành cây nhỏ. Đó là vì vừa “bứt cỏ”, vừa phải canh chừng và đánh nhau với bọn chó trong xóm. Mình vừa chớm bước chân vào Vườn Huê là chúng biết ngay và theo chân mình liền. Khi mình chọn xong chỗ, vừa ngồi xuống thì chúng cũng có vài ba con lặng lẽ ngồi chồm chổm chờ bên cạnh, trông thật là kinh.

Hồi bé tôi không mê làng quê nội là vì những cái chuyện phiền toái như thế. Dù sao thì đấy cũng là chuyện mà bọn trẻ con thành thị như tôi hồi ấy không thích. 

Nhưng cứ đến những ngày giỗ chạp, đặc biệt là mồng 4 Tết, vừa là ngày giỗ ông nội, vừa là ngày Tết , thì lũ trẻ con chúng tôi vẫn phải theo ba má về quê ăn đám giỗ và chúc Tết bà nội và bà con ở quê.

Nhà bà nội đây rồi. Cũng như bao nhà khác trong làng, một hàng rào tre, xen mấy bụi tre gai dày và cao. Góc vườn phía trước có một cái giếng đất. Bây giờ thì đố tìm đâu ra một cái giếng đất như thế. Nó là thế này : người ta đào một cái hố , đường kính khoảng 3 mét, sâu chừng 2 mét, có một lối lài lài đi xuống. Nước mạch từ lòng đất chảy ra đọng trong hố, đấy gọi là cái giếng. Người ta lấy nước ăn, nước tưới hoặc tắm giặt, thì gánh một đôi thùng, đi bộ xuống giếng, lội vào trong nước, cúi xuống vục thùng cho nước vào đầy, rồi gánh lên. Thùng làm bằng nan tre đan lại, trét dầu rái. Miệng trên hơi tròn, phía dưới đáy túm lại, trông như một cái bánh ú lớn. Tôi vẫn còn nhớ bên cái giếng ấy là mấy bụi dâm bụt, tôi về tháng nào cũng thấy hoa đỏ chói. 

Và lạ thật, bên cạnh bụi dâm bụt, là vài ba cây quít. Cây quít không cao, lá nhỏ, trái cũng nhỏ, mùa trái chín thì có vị hơi chua chứ không phải thật ngọt. Mà đến nhà của mấy người bà con trong làng thấy nhà nào cũng có vài cây quít loại như thế. Nghe nói ngày xưa các cụ tiền hiền từ ngoài bắc vào, đến đây thấy một rừng quít, bèn định cư tại đây, khai hoang lập ấp, và đặt tên làng là Thanh Quít. Ngày nay làng còn có một xóm gọi là xóm Rừng, từ xóm Chay nơi nhà bà nội đi lên phía tây chừng một cây số, còn nhiều cây rừng to, và vẫn còn nhiều cây quít. Những cây quít nhà bà nội phải chăng là giống quít còn sót lại từ mấy trăm năm trước ? 

Nhà bà nội ngày xưa là nhà tranh, ở ngay chỗ nhà thờ bằng gạch mà các cháu thấy bây giờ. Là nhà ba gian . Gian giữa là nơi đặt bàn thờ ông bà. Gian bên phải đặt một bồ lúa. Còn bà nội ở một phòng riêng ở gian bên trái. Chính giữa phòng đặt một cái rương xe, bà ngủ ở ngay trên cái rương xe đó. Rương xe là cái gì ? À, cái này thì bây giờ cũng chẳng tìm đâu ra. Nó chỉ là cái rương bằng gỗ thôi, có bốn bánh xe cũng bằng gỗ, khi cần đẩy đi được, nhưng nó to bằng cái giường, cao độ hơn một mét, xung quanh không có cửa, mà chỉ duy nhất có một cái nắp ở mặt trên, một người có thể chui vào lọt. Bên trong người ta dùng đựng các thứ của quí hồi đó, đại loại như là : quần áo tốt, đồ trang sức bằng vàng bạc, v.v… Để giữ của cải, đến đêm thì bà nội trải chiếu và ngủ ngay trên mặt cái rương đó. Nó vừa là cái rương đựng của, vừa là cái giường ngủ của bà.

Phía dưới bên trái nhà thờ là nhà ngang, cũng mái tranh vách đất. Đây là nơi ở của gia đình cô Soán. Cô dượng Soán là những người nông dân chất phác, thật thà, quanh năm lam lũ với đồng ruộng, và vất vả với một bầy con . Lúc nào chúng tôi về cũng được cô dượng cho ăn cơm gạo mới, với cá rô chiên dòn, và thịt heo luộc, là những thứ không bao giờ thiếu ở Thanh Quít. À, các cháu cần phải biết là không ở đâu có thịt heo ngon bằng thịt heo Thanh Quít. Lạ thật, cũng con heo nuôi bằng cám và rau khoai lang, nước vo gạo, mà sao thịt heo Thanh Quít ngon thế ? Nó chỉ có một lớp mỡ vừa phải, không quá dày, mỡ không béo ngậy quá, da cũng không dai, mà dòn, ăn vào không thấy ớn, kẹp với một lát khế hái ở cây khế bên giếng, với một lát chuối chát ở cây chuối sau hè, chấm với mắm ớt, ăn một chén cơm gạo mới lại muốn ăn thêm chén nữa.

Nói về gia đình cô Soán tôi đặc biệt nhớ chị Lựu. Chị là con thứ hai (ở quê gọi là thư ba) trong gia đình cô Soán. Mỗi khi về quê, tối tôi thường bắt một chiếc ghế, ngồi bên khung cửi xem chị dệt vải. Thời ấy cả làng nhà nào cũng có khung cửi dệt. Con gái ai cũng biết dệt vải, cứ rỗi việc đồng áng là ngồi vào khung cửi. Có lẽ vì thế mà chợ Thanh Quít còn có tên là Chợ Vải. Tất nhiên vải bán ở đó đều là vải thô, do dân các làng quanh vùng tự dệt lấy. Loại vải này chiều ngang chỉ có 4 tấc thôi. Một ngọn đèn đốt bằng dầu phụng (dầu lạc), đổ trong một cái đĩa sành, treo trên cái gióng nhỏ, cạnh khung cửi. Chị Lựu ngồi trên thanh ngang phía sau khung dệt, chân đạp bàn kéo go, tay đưa thoi, bên trên khung cửi con chim bằng gỗ mổ nhịp nhàng lên xuống, cút … ka … cút … kít …. Chị Lựu cứ dệt như thế đến khuya, ngày nào cũng vậy.

Nhưng người ở quê mà anh em chúng tôi yêu mến nhất, không ai ngoài bà nội. Ít nhất thì chúng tôi cũng tự hào là không bọn trẻ nào có được bà nội như bà nội của chúng tôi. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn nghĩ thế. Thử hỏi ngay ở cái thời đại văn minh như bây giờ, có bà nội bà ngoại nào biết nhiều chuyện cổ tích để kể, và kể hay đến thế như bà nội chúng tôi ? Bây giờ, các cụ bà chỉ biết mở băng cát xét hoặc vidéo cho các cháu thôi. Ôi, bà nội của chúng tôi là một cái kho về chuyện cổ tích. Mỗi lần về quê, hoặc mỗi lần bà ra Đà Nẵng, là bọn trẻ chúng tôi lại ngồi xúm quanh bà, tranh nhau cái cối nhỏ bằng đồng mà bà lúc nào cũng gói mang theo trong cái khăn trầu giắt theo người, xoáy trầu cho bà,và năn nỉ bà : 

– Bà ơi, kể chuyện đời xưa đi bà.

Và bà vừa nhai trầu bỏm bẻm, vừa kể chuyện :

– “Ừ, để im bà kể … Ngày xửa, ngày xưa, lâu lắm rồi …” 

Rồi bà đưa anh em chúng tôi trở về cái thế giới thần tiên của những ngày xửa ngày xưa, khi mà con beo con cọp, lũ chó lũ mèo, con trâu con ngựa, bọn chim, bọn cá còn biết nói tiếng người, và con người cũng còn nghe được tiếng nói của chúng, khi mà người ở hiền thì sẽ gặp lành, ai gặp nạn sẽ được thần tiên cứu giúp, còn ngưới ác thì sẽ bị trừng phạt. Ôi, cái ngày xửa ngày xưa ấy mới đẹp làm sao ?

Cũng có khi bà kể chuyện dân mình đánh Tây, hồi Tây mới qua :

… Từ ngày ông Tây lại Cửa Hàn
Đào sông Cu Nhí bòn vàng Bông Miêu
Dặn tấm lòng ai ở đừng xiêu …

Bà kể chuyện ông Hường Hiệu (một trí thức quê ở Thanh Hà, huyện Điện Bàn, Quảng Nam) lãnh đạo phong trào Cần Vương chống Tây rồi bị Tây xử chém đầu, đến lúc sắp chết vẫn còn chửi Tây. Lại kể chuyện hồi Tây mới qua xứ mình, thấy lính bọn nó toàn mang giày săng-đá (giày đế da của lính), dân ta bèn hái trái mù u (loại trái tròn, nhỏ, cứng của cây mù u, ngày xưa mọc nhiều ở những vùng quê miền trung), đem đổ ra đầy đường, để bọn lính đuổi theo trượt ngã, cứ thế dân mình xô ra chém … Rồi chuyện Chú Lía (một nông dân khởi nghĩa chống Pháp ở Bình Định), cướp của nhà giàu đem chia cho người nghèo … 

Đó là những ngày xưa chưa xa mấy, những ngày buồn của cái thời mất nước …

“… Chiều chiều én liệng Truông Mây,
Cảm thương Chú Lía bị vây trong thành …”

Bọn trẻ chúng tôi cứ say sưa theo những chuyện của bà, rồi không biết từ lúc nào, cũng ghét Tây, cũng thương ông Hường Hiệu, cảm phục Chú Lía, thương những con trâu con bò, con chó con mèo có nghĩa biết giúp người khốn khó …

Chúng tôi đặc biệt nhớ bà nội còn ở cái tài làm bánh của bà. Mỗi lần về nội, tôi biết trong rương xe của bà thế nào cũng có bánh : đám giỗ thì có bánh ít, bánh in bột nếp, bánh in đậu xanh, Tết thì có bánh hộc, bánh khô, bánh tổ. Má tôi bảo bà giỏi làm bánh vì ngày xưa bà về làm dâu nhà quan (ông cố tôi là quan huyện), mà những người con dâu nhà quan thì giỏi giang việc bánh trái lắm. Cứ trước Tết ta độ mươi ngày, bà lại ra Đà Nẵng, mang theo trong tay nải đủ thứ khuôn gỗ hình con cá, con chim, hình tròn, hình lục lăng bát giác, để làm bánh Tết cho chúng tôi. Những ngày từ 23 trở đi, ngày đưa ông Táo về trời, trẻ con cũng đã được nghỉ học, là những ngày thật đầm ấm trong gia đình. Ngoài trời gió bấc thổi ù ù, lá vàng bay lác đác, trời se se lạnh. Cái lạnh của miền trung những ngày giáp Tết chỉ vừa đủ để trẻ con đều được mặc áo len và không khí trong gia đình thêm ấm cúng. Trong căn nhà kín gió chúng tôi quây quần bên bà nội, vừa năn nỉ xin bà và má cho ăn những cái “bánh hỏng bánh xấu” mới ra lò của bà, hoặc vét mớ đường dưới đáy thau làm mứt của má, vừa nghe bà kể chuyện. Nói là “bánh hỏng, bánh xấu”, nhưng sao mà nó ngon thế. Bây giờ cũng có người ở Đà Nẵng làm bánh khô, bao gói cẩn thận, in nhãn gọi là đặc sản, bán vào tận Sài Gòn và ra ngoại quốc, nhưng ăn vào sao tôi vẫn thấy không ngon bằng những cái bánh ngày xưa của bà nội làm. 

Những ngày cận Tết đó, bà vừa làm bánh vừa kể chuyện, hết kể chuyện bà lại đọc những câu vè nói ngược : 

“ Vè vẻ vè ve, cái vè nói ngược … Chuyện đâu có chuyện nực cười, gà con tha quạ gớm đời cho gà con … “ Đúng là nực cười thật, chỉ có quạ bắt gà con tha đi, chứ làm gì có chuyện gà con mà tha được quạ ?

Rồi nào là : … 
“ Đóng ghe thì bằng chỉ bằng kim,
May áo bằng kìm đục lỗ đóng đinh,
Đứa no thì bắt ăn thêm,
Đứa đói xách giỏ đi tìm khoai lang …”

Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa hiểu được cái triết lý nào hàm chứa trong những câu vè nói ngược đó, nhưng chắc chắn rằng tâm hồn thơ trẻ của lũ chúng tôi đã phong phú lên rất nhiều qua những ngày sống cạnh bà, được tắm trong cái không khí đậm chất nhân văn của những câu chuyện cổ nghe bà kể, trong những lời đồng dao mộc mạc dân dã bà đã truyền cho.
Có nhiều đêm nằm một mình giữa rừng sâu vắng lạnh trên núi cao Tây Nguyên, tôi lại nhớ đến bà, nhớ những câu vè nói ngược, và cười một mình.
Lần cuối tôi chia tay bà nội ở Thanh Quít là vào đầu năm 1947, khi vỡ mặt trận Quảng Nam – Đà Nẵng, gia đình tản cư vào Cẩm Lậu, Phú Bông, rồi lên Trung Phước, lại xuống Tiên Đõa, rồi về Đà Nẵng, lúc ấy đã bị địch chiếm rồi. Không ngờ lần ấy là lần cuối cùng tôi còn gặp bà nội. 

Tháng 7 năm đó, tôi một mình từ Đà Nẵng trốn vào vùng tự do, đi nhờ trên một chiếc thuyền đánh cá. Một đêm trăng sáng, mênh mông biển lặng, ghe căng buồm chạy cách bờ hàng chục cây số. Nhìn về phía Tây, một rặng núi mờ xa, có lẽ quê nội đâu đó gần dưới chân những ngọn núi đó. Về hướng Tây Bắc, núi Chúa Hải Vân và bán đảo Sơn Trà màu xanh lam mờ mờ nổi lên trên nền biển tối.

Tiếng hát trầm buồn của ông già cầm lái phía cuối thuyền cứ ngân dài trên mặt biển loang loáng ánh trăng khuya :

Hò ơ … ơi … là hò …
… Quê ta có dãi sông Hàn,
Có hòn Non Nước, có hang Sơn Chà 
… Có núi Ải Vân bát ngát nghìn trùng,
Hòn Hồng ở đó là trong vịnh Hàn
Xưa nay qua đấy còn truyền
Lối đi ở giữa thẳng miền ra khơi … 

Bỗng trạnh nhớ đến những câu ru em được nghe bà nội và má hát tự những thuở nằm nôi :

– À ơi, … Chiều chiều mây phủ Sơn Chà,
Tình ta thương bạn nước mắt và lộn cơm …

– À ơi … Chiều chiều mây phủ Hải Vân
Chim kêu gành đá ngẫm thân lại buồn … 

Rồi thằng cháu nội của bà ra đi biền biệt từ dạo đó. Đã bao nhiêu những buổi chiều chiều, bà có nhớ cháu nhiều không ? Nghe nói bảy năm sau, năm 1954, năm đó bà đã 83 tuổi, một chiều nào đó, nghe tin bộ đội sẽ đi tập kết ra Miền Bắc, bà bảo mọi người dẫn bà lên đường cái : “Để tao đón thằng Tiến”. 

Bà ơi ! Ngày tập kết 22 tháng 10 năm 1954, cháu của bà đâu có đi đường bộ ? Và cũng không ai đi đường bộ cả. Thằng Tiến của bà xuống tàu Kilinski tại cảng Qui Nhơn, ra đến Sầm Sơn sau hai ngày. Tháng 9 năm 1955. con được tin bà đã mất ngày 10 tháng 6 âm lịch, sau cậu Viên một tuần. Bà đã thọ đến 84 tuổi, nhưng cũng không thể đơi được thằng cháu nội đã ra đi vì nước. Anh Trinh và con lúc ấy đang học chính trị tại Bộ Tư Lệnh Liên Khu 5 ở Tĩnh Gia (Thanh Hóa), chúng con đã thắp một nén nhang, khóc tưởng nhớ bà và cậu.

Sau ngày giải phóng Đà Nẵng, tôi có về Quảng Nam trong đoàn công tác của Chính phủ tiếp quản các cơ sở kinh tế, có ghé thăm Thanh Quít chỉ trong ít phút. Chỉ kịp ghé nhà và thắp hương vái bàn thờ tổ tiên. Rồi công việc lại cuốn tôi đi. Ngày đó, Sài Gòn chưa giải phóng.

Chỉ đến giữa năm 1997, nhiệm vụ với xã hội đã xong rồi, tôi mới lại về quê và ở lâu ở đó để sửa sang nơi thờ tự tổ tiên, chăm sóc mộ phần ông bà nội. Các em ở xa đã gửi tiền về.

Chiều chiều rỗi việc tôi lại ra “ngã tư quốc tế” (là một ngã tư trong làng, nơi có quán hớt tóc của người cháu họ, dân làng thường ra đó nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất , từ đó mà có tên “ngã tư quốc tế”). Và mãi đến những ngày đó, tôi mới được biết tỉ mỉ về nguồn gốc làng Thanh Quít, nguồn gốc tộc Nguyễn Hữu, và về bà nội mình.

Tôi đã đến khu đất trống trước trụ sở ủy ban nhân dân xã, xưa kia là nơi tọa lạc đình làng Thanh Quít. Nghe nói đình làng trước to lắm, nhưng đã bị phá hủy hoàn toàn trong chiến tranh. Có người muốn khôi phục lại, nhưng làm sao tìm được những cây gỗ lim to như trước để làm cột đình ? Trước đình cũ, chỉ còn lại một cây chim chim cao, lá xanh dày, suốt ngày chim kêu ríu rít. Đó là cây duy nhất còn sót lại trong bảy cây chim chim do bảy tộc tiền hiền trồng từ mấy trăm năm trước. Đó là các tộc : Nguyễn Hữu, Lê Tự, Trương Công, Nguyễn Bá, Nguyễn Văn, Lê Công, Phan Sĩ.

Đôi câu đối ngày xưa treo ở đình làng :

Đông bình, Tây tịnh, Bổn, Trung Lương, ấp lý giang sơn y cựu,
Nguyễn, Lê, Trương, Bá, Văn, Công, Sĩ, thất tộc tiền hiền ảnh tướng tiên.
Đông Bình là xóm dưới, Tây Tịnh – xóm trên, Bổn Thượng – xóm rừng, Trung Lương là Xóm Chay (xóm nhà mình xưa có nhiều cây chay), làng xóm núi sông vẫn như xưa,

Bảy tộc lớn (theo thứ tự), là 7 tộc đã đến đây từ thời khai hoang lập ấp cách nay có hơn 300 năm . Hiện nay Thanh Quít có tất cả 36 tộc, nhưng chỉ có 7 tộc kể trên là đông nhất, và được coi là những tộc đã có công khai phá nên làng ấp ngày nay.

Tôi đã lên xóm trên viếng mộ Tiền Hiền của tộc Nguyễn Hữu. Vị này tên Nguyễn Hữu Dũng, là thượng tướng của nhà Hậu Lê, đã được vua Lê Thánh Tôn sắc phong : “Đặc Tấn phụ quốc Thượng tướng quân Cẩm y vệ Đô chỉ huy sứ Tư đô chỉ huy sứ cai phủ Phó tướng Ngự lộc hầu”. Ngài chính là em cùng cha khác mẹ của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, người đã khai sinh ra tỉnh Sài gòn – Gia định, tiền thân của thành phố Hồ Chí Minh ngày nay.

Mộ tiền hiền tọa lạc trên một cái gò thuộc Xóm Trên còn nhiều cây cổ thụ xanh tươi, có cái tên rất lạ : Gò Tử. 

Chuyện kể rằng :

Khoảng trên 300 năm trước, toàn bộ cánh đồng trước nhà mình đều là của làng Thanh Quít. Phía bên kia cánh đồng là làng Bồ Mưng, dân nghèo hơn, ít ruộng hơn. Một chàng trai Thanh Quít, con nuôi một vị tiền hiền, đã yêu một cô gái của làng Bồ Mưng, và nghe lời xúi dục của người yêu, lấy trộm một tờ trong sổ bộ (sổ ghi quyền sở hữu đất đai) của làng Thanh Quít đem cho người yêu. Do đó mà Thanh Quít đã mất một nửa diện tích cánh đồng trước nhà mình về tay làng Bồ Mưng. Theo lệ làng, kẻ phản bội làm mất đất đai phải bị xử tử hình : người ta đào một cái hố, chôn anh ta xuống chỉ chừa cái đầu, tròng một cái nong tre đã khoét một cái lỗ tròn lên đầu, rồi cầm cái nong xoay tròn, cho đến khi các nan tre sắc cứa đứt đầu kẻ phạm tội. 

Nghe kinh quá. Đúng là kiểu xử tội thời trung cổ. Nhưng đó cũng là tính cách người Thanh Quít : Trung thành với làng, tức trung thành với quê hương đất nước.

Ngày nay họ Lê Tự còn tự hào vì đã có Lê Tự Quốc Thắng, giải nhất toán quốc tế, nay đang là giáo sư đại học ở New York, Hoa Kỳ. Và nhiều người con khác cũng đã thành tựu nhiều mặt trong xây dựng hòa bình. Gần nhất là bà cô Nguyễn Thị Mân của các cháu, một mình ra đi du học từ 1960, một thân gái dặm trường tự bươn chải và học hành để thành đạt nơi trời Tây xa xôi, là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được nhận bằng tiến sĩ tại Đại Học Tây Berlin, một Đại học danh tiếng của Châu Âu và thế giới.

“Trái quít xanh” nay cũng đã thay da đổi thịt rồi. Ai đi xa từ 1975, nay về lại chắc sẽ ngỡ ngàng không thể nhận ra. Cả làng đố tìm ra một căn nhà tranh vách đất. Rất tiếc không ai có được một tấm ảnh để kỷ niệm về những ngày xưa gian khó đó. Đường làng tráng nhựa, tráng xi măng toàn bộ. Ô tô có thể vào đến từng ngõ xóm. Các cháu về, có thể lái xe vào tận sân nhà bà nội xưa. Hố xí tự hoại, nước máy, bếp ga, ti vi màu, điện thoại, nay không còn là những tiện nghi xa xỉ quá đối với người dân làng “Trái quít xanh”. Vườn Huê xưa, cái tên đó nay lớp trẻ hình như không biết đến. Ở đó nay là một xóm nhà vườn khang trang sạch đẹp.

Một ngày tháng sáu âm lịch về quê giỗ bà, tôi đã đứng rất lâu trước mộ ông bà nội. Những năm qua, tôi đã không làm đầy đủ phận sự là một đứa cháu đích tôn. Các em thì đang làm ăn sinh sống ở những chân trời xa xôi, nếu tôi không quan tâm chăm lo thì sẽ ra sao nấm mồ của ông bà nội ? 

Xin cảm ơn các anh chị là cháu ngoại mà vẫn nhiều năm thay chúng tôi gìn giữ và lo hương khói cho tổ tiên ông bà. Nhưng tôi luôn nhớ trách nhiệm chính vẫn là của chúng tôi, những đứa cháu nội.

Bà nội ơi ! Dù làng quê “Trái quít xanh” của chúng ta nay đã đẹp rồi, dù cuộc sống nay đã sang trang mới, chúng con vẫn mãi nhớ về những ngày xưa, bà nội của chúng con đã sống một cuộc sống khó khăn gian khổ như thế nào. Và trong những ngày xưa thiếu thốn đó, với lòng yêu thương đám cháu nhỏ nội ngoại, bà vẫn dành cho chúng con những món quà vật chất và tinh thần quí giá biết bao. Chính những chuyện ngày xửa ngày xưa, chuyện hồi Tây mới qua mà bà kể, đã làm cho tâm hồn con giàu có lên rất nhiều, nó đã là hành trang theo con đi suốt cuộc hành quân dọc dài đất nước, giúp con vượt qua mọi khó khăn trên bước đường đời. Dù có ăn sơn hào hải vị, cơm Tây cơm Tàu, thì cũng chẳng thể nào quên được miếng bánh in, bánh nổ bà cho.

Con, và cả các em con, các cháu chắt của bà , sẽ luôn giữ gìn và về thăm ngôi nhà xưa của bà, thắp nén hương cho ấm mộ ông bà, không bao giờ quên tình cảm quê mùa nồng hậu của bà con anh em nơi quê nội, và sẽ luôn nhớ về làng quê Thanh Quít, cái làng rất quê mà rất dữ dội,  với những kỷ niệm êm đềm của những ngày xưa yêu dấu bên bà.

3/1/2004